CEO - Dương Thị Bạch Diệp - Diệp Bạch Dương


Khi đi tìm hiểu tư liệu viết phóng sự này, tôi đã gặp bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương (thường gọi là bà Bạch Diệp). Người phụ nữ nổi tiếng vừa sở hữu chiếc xe Rolls-Royce siêu sang nhất Việt Nam, trị giá tới hơn 23 tỷ đồng. Song qua câu chuyện kể, rất nhiều lần bà Bạch Diệp phải lấy khăn lau nước mắt.

Bà nói, để có được cuộc sống như hôm nay, đã nhiều lúc bà phải “ăn chay, niệm Phật”… phải “nhịn đói nhịn khát” và, đã có thời gian phải đương đầu với cả chốn lao tù, rồi “mũi tên, hòn đạn” nữa. Biết bao sóng gió cuộc đời truân chuyên với người phụ nữ này… Bà đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Song tất cả gian nan khổ ải ấy, người con gái đất võ Bình Định cứ lừng lững đứng lên, bà như cây bạch dương xanh thắm giữa gió ngàn. Trước thương trường của tháng ngày đổi mới, bà càng khẳng định được vị thế của mình, từ hai bàn tay trắng trở thành người phụ nữ thành danh, nổi tiếng, làm chủ nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Tuổi thơ và những kỷ niệm khó quên ở miền Bắc

Câu chuyện đầu tiên bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe là những năm tháng tuổi thơ trên quê hương miền Bắc. Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1954 – khi ấy ông Dương Thâu (SN 1926, ba sinh ra bà Diệp) là Thị đội trưởng TP Quy Nhơn. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.

Cũng như bao học sinh khác, bà thấu hiểu cuộc chiến tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam – Bắc. Những tiếng kẻng báo động, tiếng bom đạn và máy bay Mỹ gầm rú… và cảnh sơ tán, trú hầm… đến bây giờ nhắc lại, bà Diệp vẫn như còn cảm thấy rất gần. Sơ tán về Trường cấp 3 Kim Thành, Hải Dương (lúc ấy bà Diệp đang học lớp 10 hệ 10/10) dù còn nhỏ tuổi, là học sinh ở miền Nam ra, song cô gái Bạch Diệp đã nếm đủ vị đắng, ngọt của cuộc đời.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh, miền Bắc là hậu phương cho tiền tuyến và khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng Đảng và Bác Hồ cũng như đồng bào miền Bắc luôn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất cả trong cuộc sống cũng như trong học tập… Nhiều câu chuyện “nhường cơm sẻ áo đến bây giờ mỗi khi nhớ lại không sao cầm nổi nước mắt”… Trong rất nhiều câu chuyện bà Bạch Diệp kể về tháng ngày sống ở miền Bắc, bà còn nhớ như in chuyện khi đã có chồng, sinh con, có lúc phải đi mót khoai về ăn.

Bà Bạch Diệp xúc động nói: “Vào năm 1972, khi ấy đói khủng khiếp. Tôi sinh cháu Nguyễn Thị Châu Hà, nhiều khi nhà nghèo quá, không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm. Nhiều bà mẹ miền Bắc thấy tôi là con gái miền Nam, ai cũng thương. Các bà, các mẹ thường đến an ủi, cảm thông, song tất cả ai cũng nghèo nên về vật chất chẳng giúp đỡ nhau được gì. Nhưng chính cái tình, cái nghĩa cao cả ấy, đã giúp mẹ con tôi vượt qua nhiều thử thách, khó khăn…”.

Chuyến đi B và những ngày đầu vượt lên số phận

Đến bây giờ, có rất nhiều thông tin đồn thổi về người phụ nữ nổi danh này với những thật hư khác nhau, nhưng tất cả đều không đúng sự thật. Điều đầu tiên phải khẳng định ngay là bà Bạch Diệp được học hành tử tế. Thời bao cấp bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh, mà kinh doanh trong nhà nước hẳn hoi chứ không phải mua gian, bán lậu.

Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Qua thời gian thử việc, trải nghiệm thực tế, lãnh đạo chi nhánh thấy tính bà kiên định và trung thực nên phân công cho bà làm cán bộ lao động tiền lương. Bà Bạch Diệp tâm sự, những năm chiến tranh là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, bà chưa dám nghĩ nhiều đến chuyện bán buôn sau này.

Nhưng khi về làm việc ở Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ, làm cán bộ lao động tiền lương nhưng bà rất mê hàng hoá trang trí nội thất, nhất là vôi ve ngành xây dựng. Đã nhiều lần bà theo ba đi ra cảng giao hàng (ba bà Diệp là cán bộ mậu dịch đối ngoại Hải Phòng, thuộc Bộ Ngoại thương), gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng bà biết chữ tín trong thương trường là vô cùng quan trọng.

Trong khi đã có chồng, hai con và đã yên bề gia thất nơi đất Cảng, đùng một cái cuối tháng 1 năm 1975 bà Bạch Diệp hay tin chuẩn bị lo sắp xếp gia đình để đi B (vào Nam). Bà vừa nói đến đây, tôi thắc mắc ngay: Vì sao bà đang làm trong ngành Ngoại thương, đã có chồng con, hơn nữa là phụ nữ, biết đánh đấm gì mà lại đi B?

Hiểu ý tôi, bà Diệp cười vui: “Nói là đi B cho oai vậy thôi chứ thực ra là đi theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam… Đoàn của chúng tôi đi chủ yếu là bộ khung để vô tiếp quản vùng giải phóng B2…”. Qua câu chuyện tôi biết, dù tuổi thơ của bà phần lớn là sống ở nhiều nơi trên miền Bắc, song trong sâu thẳm từ đáy lòng bà vẫn ngày đêm đau đáu nhớ về khúc ruột miền Trung. Chính vì thế mà sau khi được tổ chức thông báo, bà sẵn sàng xuống tàu vào Nam. C

huyến tàu TV1 của Công ty Vận tải biển Việt Nam xuất phát từ Cảng Hải Phòng vào tối ngày 27/3/1975. Buổi chia tay với thành phố Cảng không chỉ có chồng, con và người thân. Trước lúc xuống tàu, bà đã không cầm nổi nước mắt khi những kỷ niệm vùng đất Cảng thân yêu đã bao năm gắn bó, chở che bom đạn cho gia đình bà. Bà thú thực rằng phải can đảm lắm mới dứt ra mà đi được bởi cái tình nghĩa bao dung, rộng lớn ấy.

Sau ba ngày đêm lênh đênh trên sông, biển, khi tàu đã vào đến hải phận miền Trung bà mới biết được chiến trường miền Nam đang thắng lớn. Miền Nam sắp giải phóng. Mỗi lần nghe bản tin của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh chị em trên tàu ai nấy đều cảm kích, phấn chấn, mong từng phút, từng giờ được đặt chân lên đất Mẹ.

Tối 29/3/1975, khi tàu vào đến địa phận Đà Nẵng cũng là lúc tất cả mọi người trên tàu hay tin Đà Nẵng đã giải phóng. Mọi người hò reo chờ đợi từng phút khi tàu cặp Cảng Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau hơn 20 năm xa cách, đặt chân đến mảnh đất miền Trung… bà thầm cảm ơn biết bao người đã anh dũng hy sinh, hoặc phải bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường để có được giờ phút nghẹn ngào vì vui sướng khi quê hương đã độc lập, tự do. Nhưng cũng chính những năm tháng sau chiến tranh ấy, không biết bao đắng cay và có cả tai ương đã giáng xuống đầu bà.

Những tai họa khủng khiếp đến không ngờ…

Càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, tôi càng thêm những bất ngờ về cuộc đời truân chuyên của bà. Cho dù bây giờ bà đã thành danh trở thành “triệu phú đô la” nhưng cái quá khứ ngập tràn chông gai ấy có mấy ai biết được tại An Giang bà đã từng bị bọn tham nhũng, trộm cắp thuê tên sát nhân nã cả băng đạn AK vào mình. Câu chuyện có thật “một trăm phần trăm này” thoạt nghe ai cũng phải ớn lạnh, nổi da gà.



Người phụ nữ sở hữu chiếc xe trị giá 23 tỷ đồng
Sau khi từ Tổng kho Trung Trung Bộ (có trụ sở tại Bình Định) bà Bạch Diệp về quê chồng, công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang. Khi ấy đất nước mới giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Công ty Vận tải thủy An Giang có mấy cặp xà lan chở xăng dầu.

Cũng vì hám lợi mà không ít kẻ đã bán rẻ danh dự, câu kết với số cán bộ, công nhân viên biến chất bòn rút của công, trộm cắp xăng dầu của Nhà nước. Là một cán bộ có uy tín của Công ty, bà Bạch Diệp đã được rất nhiều quần chúng tốt phản ánh nạn ăn cắp xăng dầu trên xà lan.

Đầu tháng 6/1978 bà hay tin 2 chiếc xà lan chở xăng, dầu của Công ty bị chìm. Lúc đầu mọi người ai cũng nghĩ là do sự cố kỹ thuật nên xà lan bị thủng vỡ, đây là sự cố ngoài ý muốn.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng tin đây là sự cố. Nhưng xâu chuỗi lại những sai phạm trước đó, tôi thấy có điều gì không ổn. Chính vì vậy nên tôi đã cất công đi xác minh, gặp một số quần chúng cùng đi trên xà lan, tìm rõ nguyên nhân sự việc. Cuối cùng kết quả đúng như tôi dự đoán, đây không phải là sự cố kỹ thuật, hay tai nạn bất ngờ mà chính một số thủy thủ trên tàu câu kết với bộ phận giám sát hàng hóa đã hút hết xăng đem bán, sau đó chúng đục xà lan cho dầu nhớt dơ chảy ra… hòng hủy tang chứng…”.

Khi sự việc bị bại lộ, một số đối tượng sợ bà Bạch Diệp tố cáo nên đã thuê người giết hại bà. Vào 2 giờ chiều ngày 9/6/1978, bà Bạch Diệp vừa bước vào phòng làm việc thì gặp Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ Công ty xách khẩu súng AK chạy vào, như một tên cướp táo tợn, không nói không rằng hắn lạnh lùng giương súng siết cò… hàng loạt tiếng nổ chát chúa vang lên khiến bà Diệp choáng váng đổ vật ra nền nhà.

Sau giây phút hoàn hồn, bà Diệp nhổm dậy. Phát hiện thấy bà Diệp còn sống, tên Hùng lại lao tới siết cò. May mắn làm sao viên đạn cuối cùng (sau này khám nghiệm được biết đó là viên đạn AK thứ 20) bị hóc ngay ổ khóa nòng nên bà Diệp thoát chết. Những kẻ đứng sau vụ án này thuê tên Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ nã súng giết bà Diệp, song kẻ sát nhân đã run sợ trước việc làm phi nghĩa nên hắn đã không “hạ” được mục tiêu như dự định đê hèn. Những viên đạn quái ác ấy đều sượt tóc bà Diệp, bắn trúng 4 công nhân đang ngồi chờ lãnh lương, cách chỗ bà Diệp ngồi chừng 40 m, tất cả đều bị gãy xương đùi.

Sau lần hoảng sợ và thoát chết ấy, bà Diệp và gia đình phải đến xin lánh nạn tại Ủy ban Kiểm tra tỉnh An Giang. Câu chuyện động trời này đã gây xôn xao tỉnh An Giang và các vùng lân cận. Trong dịp về kiểm tra công tác tại An Giang, hay tin đích thân đồng chí Đỗ Mười (khi ấy đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đến thăm gia đình bà Bạch Diệp, bà Bạch Diệp khẳng định: “Tôi còn nhớ như in lời đồng chí Đỗ Mười nói với ông Tư Việt Thắng (Bí thư Tỉnh ủy An Giang): “Các anh phải giải quyết ngay việc này, chứ không thể để cộng sản tị nạn cộng sản như thế này được…’’.

Để giải quyết khó khăn cho gia đình bà Diệp, Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng như một số ban ngành của An Giang đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bạch Diệp, ba tháng sau khi gặp nạn, vợ chồng bà Bạch Diệp chuyển công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, đóng tại TP Hồ Chí Minh.


Hai lần bị bắt giam oan…

Đầu tháng 12/1982, đang lúc bà Bạch Diệp và bạn bè đồng nghiệp vui mừng hay tin bà đã có quyết định bổ nhiệm… thì một lần nữa, tai họa lại ập đến với bà. Hôm đó là ngày 9/12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân…”.



Bà Bạch Diệp
Bà Diệp choáng váng. Đến khi gặp cán bộ xét hỏi, bà Diệp mới vỡ lẽ rằng, bà làm ơn đã mắc oán. Nội dung chỉ đơn giản là sự quen biết với một người bạn thân của ba bà Diệp. Ông ấy có người cháu biết mối quan hệ của bà Diệp ở Sài Gòn nên đã thông qua bà Diệp nhờ nhập hộ khẩu cho mình vào TP Hồ Chí Minh. Nghe lời anh này, bà Diệp đã viết giấy có nhận của anh ta 13.000đ (trị giá gần 1 chỉ vàng) để bà Diệp đưa cho người giúp đỡ, gọi là chi phí tiền, trà nước…

Khi những người quen cho biết không thể lo được cho người cháu kia, bà Diệp đã nhiều lần gặp anh ta xin trả lại số tiền trên, song anh ta nhất định không nhận. Một lần nữa bà Diệp lại đến năn nỉ những người quen cố gắng giúp và toàn bộ số tiền 13.000đ ấy, bà Diệp đưa hết cho họ. Khi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Xây lắp ngoại thương và sắp có hộ khẩu, người cháu của ông bạn ba bà Diệp vội đến gặp bà. Vì anh ta sợ khi xong việc sẽ phải đưa giấy nhận giữ 13.000 trả lại cho bà Diệp nên anh ta nại ra việc mất giấy, yêu cầu bà Diệp viết lại giấy lần 2 (vẫn nội dung như trước).

Vì tin người và nghĩ rằng mình không vụ lợi nên bà Diệp đã viết giấy. Song sau đó anh ta cầm tờ giấy này làm bằng chứng tố cáo bà Diệp với Công an Tân Bình.

Quá trình điều tra, khi xác minh, biết rõ bản chất sự việc, bà Diệp vì tin người, nể nang bạn bè mà ra tay lo giúp chứ mảy may không hề có vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác, chiều 3/2/1983 (tức chiều 30 Tết) bà Diệp được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do cho bà Diệp.

Bị tạm giam 2 tháng 15 ngày về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” rồi được minh oan nhưng nào có mấy ai hiểu được. Bà Diệp thở dài. Thấy bà vẫn còn mặc cảm về cảnh tù tội, tôi mang chuyện làm ăn, kinh doanh ra đàm đạo với bà. Như lại gặp phải mồi lửa, bà đứng phắt dậy: “Chuyện kinh doanh, chuyện của doanh nhân ư? Khoan hãy nói đến. Anh là nhà báo Công an hỏi kinh doanh tôi kể cho anh nghe câu chuyện này cũng liên quan đến kinh doanh, nhưng nó lại là chuyện tôi bị… tù oan lần nữa đấy. Tôi sém bị mù vì hơn 6 tháng nằm tại trại tạm giam…”. Bà Bạch Diệp thuật lại câu chuyện này như đã thuộc lòng.

Vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu (NTD). Hợp đồng được lập vào ngày 30/7/1993. Trong rất nhiều đơn thư kêu cứu lúc bấy giờ, bà Bạch Diệp đều khẳng định: Hai bản hợp đồng mua bán nhà 37 NTD là sự lừa lọc, chỉ vì tin người mà bà đã đặt bút ký: “Bấy giờ mỗi khi đọc lại 2 hợp đồng này tôi chỉ muốn chạy ra đường mà không cần biết trước mặt mình là cái gì, vì đó là 2 hợp đồng lừa đảo mà tôi tin người nên đã ký…”. Bà Bạch Diệp nói.

Điều oái oăm thay, bà Bạch Diệp đã phải mất không số tiền quy ra vàng lên đến hàng trăm lượng vàng, nhưng ngày 12/11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam. Bà Bạch Diệp ngồi lặng hồi lâu, nước mắt ứa ra: “Em cứ hình dung xem, người ta lừa chị, lấy của chị hàng trăm lượng vàng. Chị phải cắn răng chịu đựng. Tưởng mọi việc yên ổn ai dè tai họa ập xuống”. Hơn 6 tháng bị tạm giam, bà Bạch Diệp khóc sưng húp mắt. Hằng đêm bà réo gọi tên con… kêu oan và lại cầu trời, niệm Phật… Thế rồi, điều tra mãi không tìm được bằng chứng gì phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp nhận được quyết định trả tự do.

Con đường lập nghiệp

Trong số đại gia ở các tỉnh, thành phía Nam, chẳng mấy ai không biết đến bà Bạch Diệp. Nhưng những người nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì vừa rồi phải giật mình khi hay tin bà Giám đốc Diệp Bạch Dương dẫn về “con xe” Rolls-Royce mới cáu cạnh với biển số “tứ quý 7″ đắt tiền và sang nhất Việt Nam. Có người nói rằng bà chơi ngông vậy thôi, chứ cái công ty gia đình chưa đến chục người mà đã có đến 6,7 chiếc xe ôtô loại sang rồi thì việc mua thêm chiếc Rolls Royce rõ là chuyện lãng phí. Trái với luồng thông tin trên, giới buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đa phần cho rằng: “Bà Diệp có mua đến cả chục chiếc Rolls Royce cũng chẳng thấm vào đâu so với những tài sản kếch sù mà bà đang làm chủ…”.

Kể về tài sản, về sự giàu có của bà Bạch Diệp theo như cánh báo chí chúng tôi hay nói: “Có mà kể cả ngày…”. Điều tôi quan tâm tìm hiểu chính là cái sự bắt đầu, giai đoạn tay trắng mà bà Bạch Diệp gây dựng cơ đồ kia. Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng bà Bạch Diệp cũng dành cho tôi khoảng thời gian, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hiểu về cuộc đời bà. Như đã nêu ở phần trên, sau khi bị nhốt giam oan 2 tháng 15 ngày trở về; bà thấy chán nản và không còn mặn mà chuyện công tác ở cơ quan nữa.

Bà xin nghỉ chế độ chính sách. Bà Bạch Diệp nói: Ở nhà mãi cũng chán. Nhìn trước ngó sau tài sản chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư 72/lầu 2 Ký Con, phường 19 – nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần ngược xuôi các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Bạch Diệp cứ mông lung nghĩ hoài về nhiều căn nhà ở giữa trung tâm thành phố, bán giá rẻ như bèo mà rất ít người mua. Những căn nhà ấy nếu được nâng cấp, xây mới… chắc chắn khi bán sẽ sinh lợi nhiều…

Để làm thử, bà về nhà thiết kế, sửa sang ngay chính căn hộ chung cư của mình (đây là căn hộ do 2 căn ghép lại khoảng 160m2). Do có đầu óc thẩm mỹ, lại yêu nghề xây dựng từ nhỏ nên bà đã sửa chữa căn hộ rất đẹp. Đúng như dự kiến ban đầu, bà Bạch Diệp bán căn hộ chung cư này với giá 12 lượng vàng.

Cũng trong năm 1984, bà mua ngay căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố) với giá 4 lượng vàng. 12 lượng vàng bán căn hộ chung cư Ký Con, vay mượn bạn bè, bà xây căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu… tất cả hết 20 lượng vàng. Vừa xây xong, Công ty Savimex đến mua và bà bán ngay được 80 lượng vàng. Có tiền trong tay, bà mua tiếp căn nhà 92 Trần Hưng Đạo, rồi lại sửa, lại xây và… lại bán. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, bà Bạch Diệp đã mua được nhiều nhà trên đường Trần Hưng Đạo.

Bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe liền một mạch chuyện mua, bán nhà. Trong câu chuyện bà thừa nhận rằng: “Thật không ai tin được, vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa lại rẻ mạt và dễ dàng đến thế. Mà thời kỳ bao cấp rất ít người nghĩ đến chuyện buôn bán kinh doanh bất động sản…”. Có được số vốn trong tay hàng ngàn lượng vàng, bà Bạch Diệp đến các khu biệt thự trong thành phố, nếu ai bán nhà, bất cứ lớn nhỏ bà cũng mua ngay. Chính vì những tính toán, đoán trước được vận hội của đất nước nên khi đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bà Bạch Diệp đã có cả chục năm trải nghiệm qua thực tế rồi.

Bà Bạch Diệp phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc ngay từ những năm khó khăn của thời bao cấp. Bà triết lý: Khi mọi người đổ xô chạy trốn ra nước ngoài thì bà lại bình thản đón nhận cuộc sống thực tế. Ngay lúc ấy bà đã tiên đoán rằng: “Khó khăn, gian khổ như thời đánh Mỹ mình còn thắng được, chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ tìm ra được lối thoát để người dân no ấm. Họ có chạy trốn vượt biên hay tìm mọi cách ra nước ngoài, sớm muộn cũng phải về thôi. Và trong số ấy, sẽ có nhiều người tìm đến thuê nhà mở điểm kinh doanh và nhiều người sẽ mua nhà của tôi…”.

Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn 5 sao trị giá nhiều triệu đôla. Vì rất nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn hỏi cặn kẽ tài sản của bà trị giá bao nhiêu trăm, bao nhiêu triệu đôla. Tôi chỉ ghi nhận hơn 20 năm ấy, ở một thành phố năng động và rộng lớn như TP Hồ Chí Minh, một người kinh doanh từng trải và uy tín như bà, nếu như có đến cả tỷ đôla âu cũng là lẽ thường tình.

Vì tuổi thơ bà đã chịu nhiều lam lũ nên bà rất thấu hiểu cảnh đơn côi, gian khó của người bất hạnh, người nghèo. Từ những lợi nhuận thu được trong thương trường, năm nào cũng vậy, bà đều dành tiền, hàng đến tặng những người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các tổ chức xã hội làm từ thiện. Chỉ trong mấy năm gần đây bà đã dành hàng chục tỷ đồng chia sẻ khó khăn với những người nghèo. Riêng các chương trình từ thiện do Báo CAND tổ chức bà đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp có kể cho tôi nghe một ý tưởng, có thể nói là rất mới ở Việt Nam. Từ thực tế cuộc đời mình, đặc biệt là những oan khiên mà bao người gặp phải, bà muốn bước đầu sẽ dành 200 tỷ đồng xây dựng quỹ, tên gọi cụ thể thì bà chưa quyết định, song toàn bộ số tiền trên sẽ gửi vào tài khoản, hàng năm trích ra trao giải cho những “Bao Công” đích thực trong ngành Tư pháp; giải thưởng có thể cả triệu đô la.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Bạch Diệp vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế và rất khả thi. Bà vui vì bà sống trong gia đình rất hạnh phúc; các con đều học hành thành đạt từ nước ngoài, nay cùng về giúp bà điều hành công ty. Bà nói chắc rằng phần bà dành cho các con lớn nhất là sự trải nghiệm trong thương trường và đức hạnh làm người. Số tài sản lớn ấy, bà sẽ dành phần nhiều cho các hoạt động xã hội. Khi chia tay, tôi chúc bà mãi mãi như cây bạch dương xanh giữa miền nhiệt đới và ngày càng làm rạng danh người phụ nữ Việt Nam.

Theo Xuân Xe (CAND)

Tags: CEO, giám đốc điều hành, con đường thành công
Previous
Next Post »